Pupama Khuyến mãi Pupama Khuyến mãi

Hướng dẫn thanh trùng sữa mẹ trước và sau cấp đông

Ngoc Han lanila Hoang
Thứ Năm, 03/03/2022

Sữa mẹ sau khi được giữ lạnh và rã đông sẽ có nhiều mùi khác nhau, chẳng hạn như mùi xà phòng, mùi ôi hoặc tanh. Để khử mùi sữa mẹ trữ đông, chị em nên làm theo tất cả các hướng dẫn lưu trữ sữa mẹ an toàn và thử một số cách khử mùi tanh của sữa mẹ trữ đông được gợi ý dưới đây. (thanh trùng sữa mẹ)

Cách khử mùi sữa mẹ khi trữ đông

Sữa mẹ sau khi vắt ra trữ lạnh rồi rã đông sẽ có một số mùi khác lạ, nguyên nhân là do quá trình ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại của một loại enzyme có tên là lipase. Các phản ứng phân hủy chất béo và giải phóng axit béo xảy ra đôi khi làm biến đổi mùi hương của sữa mẹ, tuy nhiên bé hoàn toàn có thể sử dụng bình thường mà không bị gây hại nếu chị em đã trữ đông sữa mẹ đúng cách. Trong trường hợp bé vẫn chịu bú thì các mẹ cứ yên tâm cho bé dùng như bình thường. Ngược lại, nếu bé không chịu bú, chị em có thể thực hiện khử mùi sữa mẹ trữ đông như sau:

1. Trộn sữa

· Trộn lẫn sữa đã rã đông hoàn toàn với sữa chưa cấp đông theo tỉ lệ 1:1 để giảm bớt mùi, sau đó thử cho bé bú;

· Nếu trẻ vẫn không hợp tác thì tăng thêm tỉ lệ sữa mới vắt trong hỗn hợp;

· Một thời gian sau bé đã quen, mẹ dần giảm bớt lượng sữa tươi mới vắt khi trộn.

Lưu ý: nếu bé không chịu bú hoặc bú không hết, chị em không được trộn sữa mới vắt vào sữa đã rã đông rồi sau đó lại tiếp tục trữ đông sữa mẹ.

2. Khử mùi trước/sau cấp đông

Trong trường hợp đã áp dụng cách khử mùi tanh của sữa mẹ trữ đông như trên vẫn không có hiệu quả, các mẹ có thể khử mùi trước khi trữ đông sữa mẹ. Cách làm như sau:

Chuẩn bị: 

1. Chai/lọ thủy tinh để đựng sữa (các mẹ lưu ý nhớ tiệt trùng trước nhé)

2. Nhiệt kế

3. Nồi

4. Vỉ inox (để vừa vào nồi)

Cách làm:

2.1 Thanh trùng sữa nhiệt đều:

Rửa tay thật sạch với xà bông và nước ấm.

* Đối với sữa đông đá:

Nên rã đông một đêm trước đó ở ngăn mát tủ lạnh.

1. Cho sữa vào 4/5 lọ (không nên đổ đầy quá, vì sữa sẽ bị trào ra khi nóng). Để tiết kiệm thời gian, tốt nhất nên dùng một chai/lọ lớn và đổ nhiều sữa vào, sau khi thanh trùng xong sẽ phân chia vào chai/lọ nhỏ đủ cho một lần bé bú.

2. Cho vỉ vào nồi, sau đó xếp các lọ sữa lên vỉ. Tiếp theo, cho nước ấm vào nồi.

Lưu ý nước chỉ bằng hoặc hơi cao hơn mức sữa trong lọ thôi nhé.

3. Bật lửa lên. Dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ trong sữa. Khi nhiệt độ lên đến khoảng 145 độ F, tức là 62.5 độ C, hạ lửa nhỏ và tiếp tục đun để bảo đảm nhiệt độ trong sữa luôn luôn là 62.5 độ C trong 30 phút.

4. Sau 30 phút ở nhiệt độ 62.5 độ C, tắt bếp và cho nồi qua chỗ nguội và dần dần đổ nước mát vào để làm nguội sữa trong lọ. Các mẹ lưu ý làm việc này từ từ nhé, vì nếu cho đá lạnh vào ngay thì sẽ làm chai/lọ sữa bị nứt.

5. Sau khi sữa nguội ở nhiệt độ phòng (26 độ C), phân chia sữa ra thành từng túi/lọ phù hợp. Sữa đã thanh trùng nếu để ở nhiệt độ phòng, nên sử dụng trong vòng 6 tiếng. Sữa rã đông đã thanh trùng không được cấp đông trở lại.

* Đối với sữa mới vắt, chưa cấp đông:

Thực hiện các bước tương tự như đối với sữa đông đá. Nếu làm nhiều thì sữa sau khi thanh trùng có thể trữ đông, khi nào sử dụng thì lấy ra rã đông và hâm lại bình thường (không cần thanh trùng nữa).

2.2. Thanh trùng sữa nhiệt nhanh

1. Cho sữa vào 4/5 lọ (không nên đổ đầy quá, vì sữa sẽ bị trào ra khi nóng). Để tiết kiệm thời gian, tốt nhất nên dùng một chai/lọ lớn và đổ nhiều sữa vào, sau khi thanh trùng xong sẽ phân chia vào chai/lọ nhỏ đủ cho một lần bé bú.

2. Cho vỉ vào nồi, sau đó xếp các lọ sữa lên vỉ. Tiếp theo, cho nước ấm vào nồi.

3. Bật lửa lên. Khi nước sôi thành bọt khí thì lập tức lấy lọ sữa ra và để nguội ở nhiệt độ phòng, hoặc muốn nguội nhanh hơn thì cho vào chậu nước lạnh.

Lưu ý: Nhiều bé sau khi bú sữa đã tiệt trùng vẫn bị tiêu chảy là do chai/lọ chưa được thanh trùng phù hợp, hoặc vệ sinh không đảm bảo trong quá trình thanh trùng.

* Tips: Sữa mới vắt đem thanh trùng trước khi cấp đông sẽ giúp giảm mùi xà phòng của sữa đông đá.Nhưng sữa đông đá đem thanh trùng thì không khử được mùi xà phòng.

Cách khử mùi sữa mẹ trữ đông như trên có hiệu quả giảm mùi rất rõ rệt, tuy nhiên nhược điểm là sẽ khiến sữa mất đi một phần kháng thể. Do đó cần lưu ý tuyệt đối không đun đến khi sữa sôi để hạn chế mất hết chất dinh dưỡng.

Những lưu ý khi trữ đông sữa mẹ

Các chuyên gia khẳng định sữa mẹ mới vắt có đặc tính kháng khuẩn, chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin và chất béo hơn sữa đã được làm lạnh hoặc trữ đông. Nhưng vì một số lý do, chị em vẫn có thể vắt sữa mẹ sạch sẽ và an toàn, sau đó lưu trữ và bảo quản sữa ở nhiệt độ phòng, trong tủ lạnh hoặc trong tủ đông tùy thuộc vào thời gian. Thời gian lưu trữ an toàn cụ thể là:

· Nhiệt độ phòng (từ 16 - 25°C): Từ 4 - 6 giờ:

· Tủ lạnh (≤ 4°C): Từ 3 - 5 ngày;

· Tủ đông (≤ -18°C): Từ 6 - 9 tháng;

· Sữa mẹ rã đông: Có thể để tối đa 2 giờ ở nhiệt độ phòng và 24 giờ trong tủ lạnh, tuy nhiên không trữ đông lại lần nữa.

Trữ đông sữa mẹ trong tủ lạnh (≤ 4°C): Từ 3 - 5 ngày

Trong đó, yếu tố vệ sinh tốt đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo sữa mẹ được an toàn và bổ dưỡng nhất cho em bé. Ngoài ra, cần ghi nhớ một số lưu ý sau để hạn chế sữa có mùi và phải tốn thời gian khử mùi sữa mẹ trữ đông:

· Luôn dán nhãn ghi số lượng và ngày vắt sữa để có thể theo dõi và quản lý sữa được lưu trữ;

· Nhẹ nhàng xoay bình để trộn các lớp sữa tách kem trước khi cho bé dùng, không khuấy hoặc lắc mạnh làm hỏng các thành phần dinh dưỡng của sữa;

· Nên vứt bỏ phần sữa trong vòng 1 - 2 giờ sau khi cho bé bú vì vi khuẩn từ miệng có thể xâm nhập vào trong sữa;

· Để tránh lãng phí sữa vắt ra và rã đông sữa mẹ dễ dàng hơn, nên lưu trữ sữa với số lượng ít (dưới 60 ml) và chỉ rã đông phần cần sử dụng;

· Trữ đông sữa mẹ càng sớm càng tốt sau khi vắt;

· Nên đựng sữa mẹ trong túi hoặc bình chuyên dụng, làm từ vật liệu không chứa hóa chất BPA, một số sản phẩm (như chai thủy tinh) có thể bị nứt ở nhiệt độ quá thấp;

· Không rã đông hoặc hâm sữa trong lò vi sóng và trong nước sôi vì có thể làm mất chất dinh dưỡng và khiến bé bị bỏng. Thay vào đó hãy đặt bình hoặc túi sữa vào chậu nước ấm trong vài phút đến khi sữa ấm tương đương nhiệt độ cơ thể (từ 37°C đến dưới 40°C).

(Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang)

Viết bình luận của bạn